Khởi nghiệp kinh doanh có thực sự đẹp như mơ không?

Phải chăng đó là một chàng trai trắng trẻo, con nhà khá giả, đi du học nước ngoài, được vây quanh bởi những “đồ chơi” công nghệ cao, nói tiếng Anh như gió, có tài thuyết phục người đối diện và tự làm sang bằng những câu chuyện thất bại trong quá khứ?

Để phác thảo chân dung một người trẻ trong lĩnh vực công nghệ, người ta thường hình dung những gì?

khoi-nghiep-kinh-doanh-khong-dep-nhu-mo-768x525

Trong khi triển khai kế hoạch phát triển cộng đồng người dùng Utimai, gọi vốn đầu tư tiếp thị cho Utimai, Cường vẫn nhận việc “outsourcing” để nuôi đội ngũ. Ả
Phải chăng đó là một chàng trai trắng trẻo, con nhà khá giả, đi du học nước ngoài, được vây quanh bởi những “đồ chơi” công nghệ cao, nói tiếng Anh như gió, có tài thuyết phục người đối diện và tự làm sang bằng những câu chuyện thất bại trong quá khứ? Đem điều này đi hỏi một số người sáng lập công nghệ có đôi chút thành công thì hóa ra không phải. Những người khởi nghiệp – họ từng thất bại, đang chịu nhiều sức ép và phải đối mặt với thất bại kế tiếp. Trương Phi Cường, CEO (giám đốc điều hành) của Utimai về ứng dụng kết nối các đầu mối công việc, cho biết: “Còn không có thời gian cho những nhu cầu tối thiểu của bản thân thì lấy đâu ra thời giờ để chải chuốt”.

Nuôi hy vọng bằng… đi hai chân
Cường không có điều kiện đi du học, bỏ đại học sau năm đầu và đã trải qua nhiều công việc như môi giới tuyển dụng, bất động sản, sàn vàng, thậm chí bỏ cả một dự án về tế bào gốc để tất bật với Utimai.

Cường cho biết để nuôi dự án khởi nghiệp, anh đã bỏ ra gần 2 tỉ đồng tiền tiết kiệm được sau hơn 10 năm làm việc và có một nhà đầu tư cá nhân góp thêm 300 triệu đồng. Trong khi triển khai kế hoạch phát triển cộng đồng người dùng Utimai, gọi vốn đầu tư tiếp thị cho Utimai, Cường vẫn nhận việc “outsourcing” để nuôi đội ngũ.

Bùi Thành Công, CEO của Vocab – ứng dụng mạng xã hội học từ vựng đa ngôn ngữ đầu tiên ở Việt Nam, khởi nghiệp từ Hà Nội. Cũng như Trương Phi Cường, “để nuôi Vocab – giấc mơ về một doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ công nghệ, công ty vẫn làm các việc khác liên quan đến công nghệ, kỹ thuật số, phần mềm…”, Công cho biết.

“Hơn 50% startup công nghệ ở Việt Nam phải đi hai chân như vậy. Nếu không tập trung toàn lực cho startup thì rất dễ thất bại, nhưng nếu không đi hai chân thì không có nguồn tài chính để duy trì startup!”, Hồ Đức Hoàn, CEO của startup EBIV, một công cụ để khách hàng đánh giá các thương hiệu thuộc mọi lĩnh vực, cho biết.

Bùi Tú Thanh là một trường hợp khác nữa. Với vẻ ngoài xinh đẹp, phong thái sang trọng, thoạt nhìn qua, ai cũng nghĩ Thanh là một tiểu tư khuê các, hiện đại, từng đi du học nước ngoài. Nhưng sự thực là Thanh chưa từng du học bao giờ. Sinh ra và lớn lên ở Gia Lai, tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế, Thanh vào làm cho một công ty nước ngoài chuyên về game và tích lũy được một số vốn cũng như kinh nghiệm. Thanh cùng chị em gái của mình thành lập IPI Corporation chuyên phát triển ứng dụng mobile và nội dung Youtube cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Cô cho biết: “Tôi may mắn có người cha khuyến khích các con gái say mê công nghệ, chứ ngoài ra, gia đình không có điều kiện để hỗ trợ tài chính cho chúng tôi”. Cũng như các startup công nghệ khác, IPI vẫn làm game “outsourcing” để có nguồn tài chính giữ chân nhân viên.

Nhiều startup công nghệ không bật lên để thành công, cũng chẳng đứt gánh giữa đường, họ rơi vào trạng thái zombie (xác sống), ì ạch níu kéo sự sống để hy vọng có một phép màu nào đó.
Vốn quý nhất cho những người khởi nghiệp, theo Thanh, là kinh qua môi trường làm việc chuyên nghiệp của những công ty nước ngoài cùng lĩnh vực, phân vai rõ ràng trong một cấu trúc ổn định để thực hiện một kế hoạch dài hơi. Ở IPI, cô chị cả Bùi Thủy Tiên lo tiếp thị, tìm kiếm đầu tư, em út Bùi Thanh Thảo lo tài chính, quản lý dòng tiền còn Thanh quán xuyến toàn bộ quá trình thực hiện công việc. “Tôi biết rất rõ làm một công việc cần bao nhiêu người, hết bao nhiêu thời gian để tính toán giá cả cạnh tranh, để sử dụng nhân lực không lãng phí. Tôi biết tính chất công việc để thuê người có trình độ phù hợp, không quá cao để lãng phí, cũng không quá thấp để khiến công việc ì ạch”, Thanh tự tin.

Với Christian Hưng Nguyễn, CEO của Công ty Offpeak Việt Nam và ứng dụng Nóizì, vốn con người là quý nhất. “Trong 10 năm qua, tôi chưa bỏ một nhân viên nào. Tôi còn đào tạo cho một cậu bảo vệ thành kỹ sư phần mềm. Ngay cả khi tôi đói kém nhất, không còn tiền trả lương, họ cũng không bỏ tôi”, anh tâm sự. Từ Pháp về Việt Nam năm 2005 với 2.000 euro trong túi, khoản tiền lớn đầu tiên Hưng kiếm được là từ thù lao thiết kế nội thất cho một ngôi biệt thự và anh dùng nó làm vốn mở công ty. Hưng cũng đã nhiều phen “bầm dập” trước khi thành công. “Lúc đó tôi có biết startup là gì đâu, cứ làm thôi”. Đến giờ thì căn nhà của anh ở quận Bình Thạnh vẫn là chỗ mà ông chủ và các nhân viên độc thân ở chung.

Chuyên gia về khởi nghiệp Phạm Vũ Hiệp nhận xét: “Những bạn khởi nghiệp công nghệ trụ lại được là những người đam mê, tự vận động nguồn vốn và đã ít nhiều trải qua khó khăn trong kinh doanh. Còn có những bạn mà gia đình sẵn có điều kiện, thường thì ý chí phấn đấu lại không cao, sau khi tiêu hết tiền thì họ bỏ mục tiêu, không trở lại. Startup không phải là bữa cỗ để ai muốn xơi thì vào”.

Hết tiền, startup biến thành zombie?
Có lẽ không có nhiều người cảm nhận một cách sâu sắc về những khó khăn và thiếu thốn của buổi đầu khởi nghiệp như Hồ Đức Hoàn, CEO của EBIV. Anh chia sẻ: “Mẫu số chung của những người khởi nghiệp công nghệ vẫn là thiếu vốn, thiếu kiến thức và kinh nghiệm, thiếu người hợp tác nhưng lại có thừa… ảo tưởng! Họ không lường trước được những cạm bẫy đang chờ đón ở phía trước, như xin một tờ giấy phép phải mất vài tháng trời, phải xử lý những bất đồng trong đội ngũ, rồi những vấn đề quản lý đồng tiền, tiếp thị sản phẩm…

Khởi nghiệp sớm và thất bại không khác gì cơn ác mộng khi bạn đốt hết tiền của bản thân, gia đình và lâm vào cảnh nợ nần. Chỉ những người thực sự có dũng khí mới dám khởi nghiệp trở lại sau quãng thời gian dài bế tắc”.

Hoàn cũng đã ba, bốn lần thất bại với EBIV, rồi gượng đứng dậy. Anh cho biết: “Chủ yếu là sai về chiến lược và mỗi lần nhận ra, chỉnh sửa là đều tốn tiền. Trong 14 tháng qua, dự án EBIV đã “ngốn” 2 tỉ đồng, đến giờ chiến lược đã ổn định, cộng đồng đã bắt đầu tiếp nhận công cụ của EBIV, công ty có một chuyên gia tài chính người Canada đầu tư vào đồng thời giữ vai trò giám đốc tài chính, phụ trách các vấn đề về quản trị dòng tiền và tiếp xúc nhà đầu tư quốc tế”.

Theo số liệu từ Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), đơn vị khởi xướng và đồng tổ chức cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp (Startup Wheel), trong những năm qua, trung bình các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực ICT chiếm hơn 40% tổng số các dự án tham gia cuộc thi. Khởi nghiệp công nghệ dễ mà khó, vì thứ nhất là phải cạnh tranh với nhiều đối thủ hơn, thứ hai là công nghệ luôn có tính làn sóng, thay đổi rất nhanh, bắt được đúng con sóng thì có thể lên cao, bắt chậm thì phải chịu sóng đè.

Điểm khó khăn thứ ba, theo Trần Nguyễn Lê Văn, CEO của cổng đặt xe trực tuyến Vexere.com và Nguyễn Hoàng Trung, CEO của ứng dụng ẩm thực Lozi, đó là thói quen sử dụng các nền tảng công nghệ ở người Việt chưa cao. “Phải mất nhiều thời gian và chi phí để xây dựng thói quen cho người dùng, nếu không kiên nhẫn và không đủ nguồn lực là rất dễ đứt gánh giữa đường”, Lê Văn cho biết. “Đó là chưa kể tới khả năng bị các đối thủ từ nước ngoài nhảy vào giành thị trường. Đã thành công ở các thị trường trưởng thành khác, họ đủ nguồn lực để tấn công vào thị trường mới”.

Nhiều startup công nghệ không bật lên để thành công, cũng chẳng đứt gánh giữa đường, họ rơi vào trạng thái zombie (xác sống), ì ạch níu kéo sự sống để hy vọng có một phép màu nào đó – Trương Phi Cường cho biết. “Trong số 17 dự án startup được đề án Vietnam Silicon Valley thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đỡ đầu thì có 5-6 dự án rơi vào tình trạng án binh bất động, có thể do họ thiếu nguồn lực, xác định sai thị trường hoặc hết niềm tin”. Hồ Đức Hoàn thì nhìn nhận một cách khắc nghiệt hơn: đến 95% startup công nghệ ở Việt Nam hoặc đứt gánh hoặc đang là những xác sống.

Nhìn lại, Trương Phi Cường cho rằng chính việc “đi hai chân” như câu chuyệnnêu ở đầu bài lại là điều hay cho những người trẻ khởi nghiệp công nghệ. Ngay cả trong môi trường mà thất bại là điều không dễ được chấp nhận, khi thất bại họ cũng không bị rơi vào tuyệt vọng. Họ có đủ những bài học kinh nghiệm cần thiết để đón những con sóng công nghệ mới. Và nếu không đón được sóng mới thì họ vẫn làm ra được sản phẩm cho xã hội.

Cùng Danh Mục

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *