Làm sao để khởi nghiệp tại Việt Nam không phải là phong trào
Doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng đưa ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh, có chất lượng cao và có thể cung cấp ở thị trường trong nước và nước ngoài.
Kinh nghiệm thế giới, ở Mỹ cho thấy nhiều người rất thích đầu tư vào những người thất bại vì thất bại sẽ có kinh nghiệm làm khởi nghiệp.
Máy in 3D được giới thiệu tại triển lãm khởi nghiệp ở Đà Nẵng ngày 18-6
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng phạm vi “khởi nghiệp” trong đề án mà Bộ KH&CN đã xây dựng là những mong muốn khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, gắn với kết quả của các nghiên cứu và hình thành các công nghệ được đưa vào phương án sản xuất và kinh doanh.
Mục tiêu đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” đặt mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 100 doanh nghiệp tham gia đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỉ đồng. Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói:
– Doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng đưa ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh, có chất lượng cao và có thể cung cấp ở thị trường trong nước và nước ngoài.
Chúng tôi sẽ mở rộng các điều kiện để kết nối, xây dựng chiến lược phát triển thị trường cho từng sản phẩm trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp họ khi sản xuất phải nhìn thấy nơi tiêu thụ sản phẩm
* Những người muốn khởi nghiệp mong đợi điều gì từ dự án khởi nghiệp của Bộ KH&CN, thưa ông?
Thứ nhất, người làm khởi nghiệp được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi thất bại sẽ thế nào, ai quản lý phần ngân sách đó, các quy định quản lý về tài chính khi nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào khởi nghiệp tại Việt Nam và chuyển tiền lợi nhuận thu được ra nước ngoài.
Thứ hai là nguồn lực. Hiện có các nhà đầu tư muốn đưa tiền vào hệ sinh thái khởi nghiệp. Muốn vậy, phải cho họ cơ chế, chính sách, cách tính toán thuế thu nhập hợp lý, những ưu đãi trong thời gian đầu.
Thứ ba, phải có những khu làm việc chung cho cộng đồng những người khởi nghiệp. Việt Nam đã có một số khu làm việc chung tại Hà Nội, TP.HCM nhưng cần phải nhiều hơn để khi người khởi nghiệp đến đó sẽ được đào tạo, học tập, rèn luyện và hình thành nên doanh nghiệp với sự tư vấn của các chuyên gia tài chính, khoa học, thị trường, pháp luật…
Thứ tư, nội dung liên quan đến cổng thông tin kết nối người làm khởi nghiệp, nhà đầu tư, kết nối các khu làm việc tập trung đó vô cùng quan trọng đối với khởi nghiệp sáng tạo.
Chúng tôi sẽ hình thành một cổng thông tin kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp không chỉ trong nước mà còn kết nối với các hệ sinh thái khởi nghiệp nước ngoài.
Cuối cùng, biện pháp tuyên truyền cần được đẩy mạnh để những người khởi nghiệp đi đúng hướng và chuyên nghiệp.
Chúng tôi cũng mong muốn trong thời gian tới đưa nội dung đào tạo khởi nghiệp vào các chương trình giảng dạy tại trường đại học, mở rộng các loại hình đào tạo về kiến thức khởi nghiệp cho các bạn trẻ để khi mong muốn khởi nghiệp sẽ có kỹ năng, kiến thức, được những người đã thành công trong xã hội và cộng đồng khởi nghiệp giúp đỡ.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng
* Theo ông, làm thế nào để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam thật sự thành công chứ không chỉ là một phong trào thiếu hiệu quả?
– Đây cũng là vấn đề mà chúng tôi đang suy nghĩ và mong muốn sẽ vượt qua được vì đúng là làm phong trào thì khó thành công lâu dài được.
Ở đây có điểm mấu chốt là với hệ sinh thái khởi nghiệp, để không biến thành phong trào, bản thân những người tham gia phải được đào tạo, cung cấp kiến thức và có kỹ năng để làm cho đúng. Còn những người không được đào tạo thì không nên tham gia theo người khác.
Khi các nhà đầu tư bỏ tiền cho doanh nghiệp, họ cần phải suy nghĩ có đầu tư hiệu quả hay không. Có nhiều người bỏ tiền vào nhưng họ cũng tham gia đóng góp những kiến thức quản trị doanh nghiệp, pháp luật, sở hữu trí tuệ, công nghệ…, bỏ vào doanh nghiệp tương lai đồng thời cả tiền và kiến thức.
Việc làm này của nhà đầu tư giúp doanh nghiệp khởi nghiệp có kiến thức, tránh trường hợp chỉ bỏ tiền và hi vọng vào lợi nhuận. Và điều này cũng sẽ góp phần tránh tình trạng phong trào khi thực hiện hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam.
Chúng tôi thấy có những người đầu tư có kiến thức như thế thì sẽ tránh tình trạng phong trào khi thực hiện hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam.
Nhưng tôi cũng muốn chia sẻ với các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp: 100 người nhận được hỗ trợ khởi nghiệp thì chỉ có 5-6, thậm chí không quá 10 người thành công, vậy thì những người khởi nghiệp luôn phải sẵn sàng xác định chấp nhận thất bại.
Kinh nghiệm thế giới, ở Mỹ cho thấy nhiều người rất thích đầu tư vào những người thất bại vì thất bại sẽ có kinh nghiệm làm khởi nghiệp, còn ngay từ đầu đã thành công có khi sau này khó phát triển thành doanh nghiệp lớn được. Những lần trả giá sẽ giúp họ lớn lên.
Làm sao để quỹ đầu tư mạo hiểm đạt hiệu quả?
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ do Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì đang xây dựng để trình Quốc hội thông qua, chúng tôi đang đưa vào một quỹ mang tính chất đầu tư mạo hiểm với một cơ chế quản lý quỹ phù hợp với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khi mà 100 dự án được đầu tư, hỗ trợ có thể tới 95% không thành công được ngay.
Bộ Công thương cũng có những chương trình phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, giúp các doanh nghiệp không những phát triển sản phẩm thị trường trong nước mà còn ở nước ngoài.
Ông Đinh Viết Hùng – giám đốc điều hành JoomlArt – bày tỏ: “Theo tôi, trong quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho khởi nghiệp, Nhà nước không đầu tư hoàn toàn nhưng nên có cơ chế cấp vốn đối ứng. Khi mỗi dự án khởi nghiệp kêu gọi được bao nhiêu vốn từ các nhà đầu tư tư nhân, Nhà nước nên xem xét cấp một khoản vốn đối ứng để hỗ trợ.
Tất nhiên phần vốn đối ứng của Nhà nước cũng phải theo cơ chế đặc biệt, chứ nếu quản lý theo các quy định chung về tiền của Nhà nước thì sẽ không phù hợp với tính chất đặc thù của các dự án khởi nghiệp, khi mà không phải dự án, ý tưởng nào cũng có thể thành công”.
Theo ông Hùng, để tránh tình trạng bị lợi dụng, cần có sự xem xét, đánh giá và công bố danh sách những nhà đầu tư uy tín.
Khởi nghiệp cần nhất từ các cơ quan quản lý nhà nước là các chính sách hỗ trợ đầu tư, ví dụ như ưu đãi về thuế, phí cho chính dự án khởi nghiệp và những khoản vốn mà các nhà đầu tư bỏ vào các dự án này.
Dùng tiền thu từ thuế phí của các công ty, dự án khởi nghiệp, nếu có phải thu theo quy định, để đầu tư trở lại cho khởi nghiệp.
Đà Nẵng tổ chức triển lãm khởi nghiệp
Sáng 18-6, Vườn ươm doanh nghiệp TP Đà Nẵng tổ chức triển lãm 26 gian hàng các dự án khởi nghiệp của sinh viên các trường đại học, cao đẳng và các đơn vị tại Đà Nẵng, và 18 gian hàng của các công ty, đối tác hỗ trợ khởi nghiệp.
Một số dự án khởi nghiệp đáng chú ý tại triển lãm như: Dự án phát triển đặc sản Việt Nam, Phần mềm kết nối du khách với người dân địa phương, Dự án mỹ phẩm sạch nguồn gốc thiên nhiên, Gương thông minh…
Ông Võ Duy Khương, chủ tịch Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp TP Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng được các nhà đầu tư đánh giá là môi trường đầu tư hàng đầu Việt Nam, nhiều năm liền dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), có nhiều kinh nghiệm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Hồ Kỳ Minh – phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, TP đã ban hành chương trình phát triển khởi nghiệp 2016, xây dựng các chính sách hỗ trợ như cải cách hành chính, tài chính, mặt bằng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Leave a Reply